CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU (BRAND STORY) LÀ GÌ? TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU TRONG CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG
Mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng cũng giống như mối quan hệ giữa người với người. Chúng ta sẽ khó có thể tin tưởng một người xa lạ nếu như chúng ta chẳng biết gì về họ, cũng chẳng biết gì về câu chuyện của họ. Tương tự như vậy, nếu doanh nghiệp biết khéo léo kể một câu chuyện thương hiệu như một cách để giới thiệu và “làm quen” khách hàng, họ chắc hẳn sẽ có được cơ hội lớn hơn để tiếp tục kết nối và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
Câu chuyện thương hiệu (Brand Story) là gì?
Thật ra, “Câu chuyện thương hiệu” về mặt câu chữ đã thể hiện quá rõ ràng ngữ nghĩa của nó. Đó là một câu chuyện của thương hiệu, được thương hiệu viết ra để giới thiệu mình tới công chúng. Nhưng nó không chỉ đơn giản là những thông tin cơ bản như: chúng tôi tên là gì, chúng tôi ở đâu, chúng tôi bán gì… mà đằng sau mỗi câu chuyện thành công đều là cả một “nghệ thuật kể chuyện”.
Có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay xây dựng câu chuyện theo lối tư duy một chiều. Có nghĩa là, họ kể một câu chuyện mà ở đó sản phẩm và bản thân thương hiệu của họ là yếu tố trung tâm. Họ cho rằng chỉ cần giới thiệu đủ về doanh nghiệp, về thương hiệu, để khách hàng biết được những thông tin cơ bản của họ là đủ. Nhưng câu hỏi ngược lại là: Ai quan tâm bạn là ai? Ai quan tâm bạn bán cái gì? Lúc này, ta sẽ thấy ngay vấn đề “một chiều” được nói tới ở đây. Chúng ta muốn có được sự quan tâm từ công chúng nói chung hay đối tượng khách hàng mục tiêu nói riêng, thì chúng ta phải mang đến giá trị cho họ; chứ không phải là “thao thao bất tuyệt” về bản thân và tự cho rằng đó là câu chuyện của thương hiệu.
Câu chuyện thương hiệu là gì? (Ảnh: Sưu tầm)
Tầm quan trọng của câu chuyện thương hiệu trong chiến lược truyền thông.
Như đã đề cập ở trên, câu chuyện thương hiệu chính là “lời mở đầu” cho những nỗ lực xây dựng và phát triển mối quan hệ với khách hàng. Không phủ nhận rằng, có rất nhiều cách để một thương hiệu tiếp cận với khách hàng. Có những thương hiệu tiếp cận bằng cách chạy quảng cáo về sản phẩm, có những thương hiệu sử dụng các hình thức xúc tiến bán như khuyến mãi, tặng quà… để thu hút sự chú ý hoặc cũng có những thương hiệu ngày nay chọn cách tiếp cận thông qua KOLs, KOCs… nhưng sau khi những chương trình đó kết thúc, khách hàng nhớ gì về thương hiệu? Họ sẽ nhớ theo dạng: À, thương hiệu này hôm nọ tôi thấy quảng cáo; À tôi thấy thương hiệu này vừa giảm giá hay À tôi thấy họ trên livestream Tiktok… Hay thậm chí là họ còn chẳng nhớ gì về chúng ta? Dĩ nhiên, đây không phải là những cách tiếp cận sai; mà đúng hơn thì chúng nên là những nỗ lực sau khi khách hàng đã có nhận thức nhất định về thương hiệu. Hoặc không, thì nó chỉ là những cố gắng theo hướng “ăn xổi”, có doanh thu trong ngắn dài, còn câu chuyện dài hạn lại là một bài toán khác.
Đối với những nhà quản trị Marketing nói chung hay những người xây thương hiệu mới nói riêng, nỗ lực đầu tiên nên làm đó chính là việc xây dựng câu chuyện thương hiệu có ý nghĩa.
Tầm quan trọng của Câu chuyện thương hiệu (Ảnh: Sưu tầm)
1. Câu chuyện hay sẽ giúp thương hiệu tạo được ấn tượng tốt và tạo ra sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh
Chúng ta đều hiểu rằng thị trường giờ đây chứng kiến quá nhiều sự cạnh tranh khốc liệt và vì thế, yêu cầu về khác biệt hoá ngày càng trở nên khắt khe hơn. Một câu chuyện ý nghĩa và có chiều sâu sẽ làm cho doanh nghiệp của bạn trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác. Thứ khác biệt luôn là thứ được ghi nhớ nhiều hơn. Có phải chúng ta đều nhớ đến Apple với hình ảnh là một thương hiệu khác biệt, tối giản? Và đúng, ngay từ câu chuyện đầu tiên mà thương hiệu kể với công chúng, đó cũng là câu chuyện về suy nghĩ khác biệt. Chúng tôi sẽ đề cập tới case Apple ở phần sau của bài viết.
2. Tạo ra kết nối cảm xúc với khách hàng
Có thể khẳng định rằng người tiêu dùng giờ đây, đặc biệt là thế hệ Gen Z, có quá nhiều sự lựa chọn cho những sản phẩm dịch vụ trong đời sống. Cũng vì thế mà họ dễ dàng chấp nhận những thứ mới và sẵn sàng rời bỏ những lựa chọn không còn giá trị. Vậy lúc này, thương hiệu nào tạo ra cho khách hàng nhiều cảm xúc hơn, thương hiệu nào được yêu mến nhiều hơn sẽ là thương hiệu giữ chân được khách hàng của mình.
3. Tạo dựng niềm tin và làm cơ sở cho các chiến dịch truyền thông khác
Hãy tưởng tượng rằng, bạn đang đứng giữa hai lựa chọn: một bên là một thương hiệu mà bạn không biết gì về họ nhưng bao bì sản phẩm của họ cũng vô cùng bắt mắt và chỉ dừng lại ở bắt mắt; với bên kia là thương hiệu mà bạn đã biết rằng họ có cả một câu chuyện đằng sau về sự cố gắng chuyển hoá bao bì nhựa sang bao bì giấy để bảo vệ môi trường và bạn biết rằng họ luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Ắt hẳn - là một người dùng thông thái - bạn sẽ chọn thương hiệu thứ hai. Điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ có xu hướng lựa chọn sản phẩm dựa trên sự tin tưởng và uy tín. Trong khi đó, một câu chuyện có ý nghĩa và có chiều sâu sẽ là một chiến thuật đắt giá góp phần nâng tầm giá trị cho thương hiệu.
Ngoài ra, việc xây dựng một câu chuyện ngay từ đầu sẽ giúp những nỗ lực truyền thông về sau của doanh nghiệp được thống nhất và xuyên suốt hơn. Câu chuyện ấy định hình tính cách, giọng điệu cũng như cách thức giao tiếp của thương hiệu đối với khách hàng.
Học hỏi được gì từ câu chuyện thương hiệu của các doanh nghiệp lớn?
1. Câu chuyện thương hiệu của Nike
Nike kể câu chuyện nơi mà họ không hề nói về sản phẩm mà họ tôn vinh người dùng. Ở bức tranh họ vẽ ra, mỗi khách hàng đều là một người hùng, đều là một ngôi sao tài năng cho dù không phải là những vận động viên trên sàn đấu. Điều này làm cho khách hàng của Nike cảm thấy rằng họ được tôn trọng và được công nhận.
Điều chúng ta rút ra ở đây là: trong khi xây dựng câu chuyện thương hiệu, hãy đặt khách hàng là trung tâm. Khách hàng phải là nhân vật chính chứ không phải là sản phẩm của thương hiệu.
Câu chuyện thương hiệu của Nike (Ảnh: Sưu tầm)
2. Câu chuyện thương hiệu của Vinfast
Ở câu chuyện “Dẫn lối tiên phong” của Vinfast, họ cũng không kể về dòng xe hơi chuẩn bị ra mắt mà họ tôn vinh tinh thần dám nghĩ, dám làm của người Việt Nam. Người tiêu dùng vẫn thường có tâm lý nghi ngờ các dòng sản phẩm từ các thương hiệu Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao như xe hơi. Nhưng bằng việc chú trọng vào tâm lý đó và tìm cách khai thác chúng, Vinfast đã có được một câu chuyện thương hiệu nhân văn và truyền cảm hứng. Hành trình xây dựng thương hiệu của Vinfast có thể nói là một hành trình không hề đơn giản khi vốn từ đầu, thương hiệu đã phải đối mặt với nhiều định kiến.
Và thứ chúng ta có thể học hỏi ở đây là: đôi khi, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thiên kiến tiêu cực, nhưng hãy cứ nuôi động lực và truyền cảm hứng bằng những giá trị nhân văn và chân thật nhất.
Câu chuyện thương hiệu của Vinfast (Ảnh: Sưu tầm)
3. Câu chuyện thương hiệu của Apple
Câu chuyện của Apple thì vô cùng đơn giản với “Think Different” (Suy nghĩ khác biệt). Họ tôn vinh những suy nghĩ mới lạ, khác biệt dù cho suy nghĩ đó có bị phần đông cho rằng là dị biệt. Bản thân Apple cũng là một thương hiệu luôn sáng tạo, đổi mới và tiên phong trong những sản phẩm của mình. Và vì thế, câu chuyện của họ trở nên vô cùng chân thực và cũng trở thành động lực cho nhiều sáng tạo mới mẻ hơn.
Bài học ở đây là: luôn đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, hãy xây dựng một câu chuyện và một chiến lược thương hiệu xuyên suốt; hãy khiến cho những gì bạn kể và những gì bạn làm là thống nhất với nhau.
Câu chuyện thương hiệu của Apple (Ảnh: Sưu tầm)
Câu chuyện thương hiệu có thể là sự đầu tư mà doanh nghiệp chưa thể thu lại lợi nhuận ngay trước mắt, nhưng nó sẽ luôn có giá trị bền vững và dài lâu xuyên suốt hành trình kinh doanh và hoạt động của thương hiệu. Vì thế, hãy bắt đầu nỗ lực làm thương hiệu của bạn bằng việc viết một câu chuyện hay, ý nghĩa và có chiều sâu.
KAIZA CO.,LTD
Điện thoại: 0837 565 828
Email: info@kaiza.vn
Website: www.kaiza.vn
Fanpage: fb.com/Kaiza.vn
Địa chỉ: 48 Hoàng Hoa Thám, Phường 5, quận Bình Thạnh, Ho Chi Minh City, Vietnam
Xem thêm:
>>> Dịch vụ thiết kế Logo của Kaiza
>>> Dịch vụ thiết kế nhận diện thương hiệu của Kaiza